Tin tức
Việt Nam tính tăng dự án thép: Làm ngược?
Tăng sản lượng ngành thép
Bộ Công Thương vừa ban hành dự thảo quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn đến 2025, định hướng đến 2035.
Theo đó đến năm 2020 sản lượng sản xuất gang và sắt xốp sản xuất trong nước sẽ đạt 8 triệu tấn; năm 2025 đạt 15 triệu tấn; năm 2035 đạt 30 triệu tấn.
Sản lượng sản xuất phôi thép đến năm 2020 sẽ đạt sản lượng 18 triệu tấn; năm 2025 đạt 27 triệu tấn; năm 2035 đạt 52 triệu tấn phôi thép. Đặc biệt, sản lượng xuất khẩu gang, thép các loại đến năm 2020 đạt 3 triệu tấn; năm 2025 đạt 4 triệu tấn; năm 2035 đạt 6 triệu tấn gang và thép các loại.
Dù xuất khẩu còn nhiều khó khăn nhưng trong quy hoạch của Bộ Công Thương, ngành thép thời gian tới sẽ tiếp tục được tăng sản lượng.
Dự thảo quy hoạch của Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh đến việc ưu tiên phát triển sản xuất thép tập trung ở vùng ven biển, nơi có nhiều cảng nước sâu, quỹ đất còn nhiều và không ảnh hưởng đến an ninh lương thực; Ưu tiên phát triển sản xuất thép tại vùng miền núi, nơi có các mỏ sắt trữ lượng đủ lớn để đầu tư nhà máy sản xuất thép khép kín với công nghệ tiên tiến và quy mô thích hợp. Đồng thời, hạn chế phát triển sản xuất thép tại khu vực đồng bằng, nơi đông dân cư và quỹ đất dành cho an ninh lương thực.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định các dự án thép phải áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại với suất tiêu hao nguyên liệu, điện năng thấp, đảm bảo các yêu cầu về phát thải, thân thiện với môi trường, lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với khí thải. Các dự án cần xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về công nghệ, thiết bị, suất tiêu hao năng lượng cho sản xuất gang, thép…
Xuất khẩu thép Việt Nam gặp khó
Dự thảo quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn đến 2025, định hướng đến 2035 được Bộ Công Thương đưa ra trong bối cảnh thép Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Điều này khiến cho các nhà sản xuất đứng ngồi không yên.
Đầu tháng 11 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố đã lên dự kiến tiến hành điều tra chính thức vào ngày 7/11 về việc các công ty Trung Quốc chuyển thép qua Việt Nam nhằm tránh mức thuế cao khi xuất khẩu sang Mỹ.
Trung tâm của vấn đề là liệu những thay đổi về cơ bản có đủ để biến thép Trung Quốc thành một sản phẩm mang thương hiệu thép Việt Nam thực sự hay không?
Trước đó, các thương nhân tại thị trường thép tấm Mỹ đã hủy nhiều đơn đặt hàng của họ đối với sản phẩm cuộn cán nguội và tấm mạ kẽm của Việt Nam do các doanh nghiệp sản xuất thép Mỹ đệ đơn kiện lên Bộ thương mại Hoa kỳ.
Nguyên nhân sâu xa của việc này là do các nhà sản xuất thép của Mỹ nghi ngại thép Trung Quốc được tuồn sang Việt Nam để xuất sang nước này.
Từng chia sẻ với Đất Việt về vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh – chuyên gia kinh tế dự đoán ngành thép của Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa vì vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc, nhất là về mặt giá cả.
Theo TS Doanh, thép Trung Quốc hiện nay đang dư thừa rất lớn. Họ có công suất sản xuất 1200 triệu tấn thép/năm và có nhu cầu phải xuất khẩu hàng năm lên tới 500-600 triệu tấn thép. Vì vậy nếu Việt Nam không thay đổi và tự khẳng định thì thời gian tới để xâm nhập vào thị trường các nước càng trở nên khó khăn hơn.
Nhìn lại phía Việt Nam, ông Chu Đức Khải – Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam đánh giá đa phần các Doanh nghiệp Việt Nam là Doanh nghiệp nhỏ và vừa, đều có một điểm yếu là rào cản ngôn ngữ (tiếng Anh) nên việc nhận diện để vượt qua các rào cản kỹ thuật của thị trường nơi mình nhắm đến còn hạn chế (ngoại trừ một số Doanh nghiệp lớn có nguồn nhân lực đủ mạnh nắm được luất lệ trong lĩnh vực Thương mại Quốc tế).
Hoàng Hà – Báo mới