Tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên: Băng băng về đích

Trong những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5-2020, Ban quản lý (BQL) Đường sắt đô thị TPHCM cùng người dân thành phố liên tục đón nhận tin vui khi đoàn tàu đầu tiên của tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên, gồm 3 toa xe) đã được vận hành thử nghiệm tại Nhật Bản trước khi đưa về Việt Nam.

Ngày 29-4, tại gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố) dài 515m, hàng trăm kỹ sư, công nhân tất bật đổ bê-tông và tầng B3 cũng được hoàn thiện. Đặc biệt, ngày 26-4, toàn bộ hàng rào chắn công trường metro số 1 đoạn từ đường Đồng Khởi đến đường Nguyễn Huệ được tháo dỡ, trả lại không gian thông thoáng, sạch đẹp cho khu vực này.

Khu vực đường Đồng Khởi - Lê Lợi - Nguyễn Huệ đã khang trang, sạch đẹp trở lại

Hoàn thành sớm gần 100 ngày so với kế hoạch

Trong niềm vui chung khi rào chắn đoạn đường Đồng Khởi kéo dài đến đường Nguyễn Huệ được tháo dỡ, ông Bùi Xuân Cường (Trưởng BQL Đường sắt đô thị TPHCM) cho biết: Để trả lại mặt bằng cho người dân thành phố thuận tiện lưu thông, dù đang trong thời gian cả nước phải thực hiện việc giãn cách xã hội, nhưng hàng nghìn kỹ sư, công nhân tại công trường Metro số 1 vẫn tăng tốc để hoàn thành công việc sớm hơn 6 ngày so với kế hoạch. Đây là nỗ lực rất lớn của BQL Đường sắt đô thị TPHCM và nhà thầu thi công dự án tuyến Metro số 1. Đến nay, gói thầu CP1b đã đạt hơn 82% khối lượng công việc và cam kết đạt 90% khối lượng công việc vào cuối năm 2020.

Dọc theo công trường thi công từ Nhà hát Thành phố đến ga Bến Thành, chúng tôi cảm nhận được không khí hối hả của Liên danh nhà thầu Shimizu - Maeda (đơn vị thi công) cùng các kỹ sư, công nhân người Việt Nam đang làm việc tại đây. Bên trong công trường, những người thợ miệt mài đưa từng cây thép kết nối lại với nhau, tạo thành những lưới thép khổng lồ. Anh Nguyễn Trung Thành (quê Nghệ An) chia sẻ, anh đã gắn bó với công trường được gần 2 năm. Anh em công nhân luôn động viên nhau hoàn thành tốt công việc.

Nhiều công nhân làm việc ca đêm tại gói thầu CP1a

Anh Lê Thành Lê (kỹ sư trưởng quản lý thi công) cho biết, nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công hạng mục tháo dỡ rào chắn phía trước Nhà hát Thành phố, các công nhân, kỹ sư làm việc trên công trường phải chia ca làm việc miệt mài, không quản ngày đêm. Mặt bằng phía trước nhà hát cũng được tái lập, trả lại không gian xanh, thông thoáng, sạch đẹp cho toàn khu vực. Trước đó, công nhân đã trải 2 lớp bê-tông nhựa tạo mặt phẳng cho toàn tuyến đường. Phần vỉa hè trong khu vực cũng được lót đá, sơn đường và hoàn thiện lối lên, xuống tại ga Nhà hát Thành phố.

Ông Takuzo Sato (Giám đốc dự án nhà ga ngầm metro Nhà hát Thành phố) cho biết: Đây là một trong những dự án mang dấu ấn to lớn trong việc phát triển đô thị của TPHCM. Riêng ga ngầm Nhà hát Thành phố có độ sâu 40m so với mặt đất, sẽ có 5 vị trí tiếp cận đi xuống, gồm: đoạn trước cửa Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, khu vực đường Lê Lợi, khu vực Sài Gòn Square, khách sạn Rex... Tất cả đều nằm xung quanh Nhà hát Thành phố. Công nhân, kỹ sư, thiết kế... của Việt Nam và Nhật Bản đã nỗ lực thi công xuyên mùa dịch Covid-19 để dự án hoàn thành sớm hơn 96 ngày so với kế hoạch thi công ban đầu của nhà thầu.

Tính tới nay, gói thầu CP2 do Liên danh nhà thầu Sumitomo - Cienco 6 đảm nhiệm thi công đoạn trên cao và depot, đang trong giai đoạn "nước rút". Các kỹ sư, công nhân vẫn hối hả chạy đua với công việc trên công trường để chuẩn bị cho việc đón đoàn tàu đầu tiên về Việt Nam.

Trong khi đó, toàn bộ gói thầu CP1b gần như đã hoàn thiện. Tại tầng hầm B1, các trang thiết bị như: sảnh đợi, máy bán vé, cổng thu phí tự động... cơ bản hoàn thành. Các hạng mục còn lại của gói thầu CP1b chưa thực hiện, gồm: lắp đặt hệ thống đường ray, hệ thống cơ điện, thông tin tín hiệu... cũng đang đẩy nhanh tiến độ. Ước tính đến nay, gói thầu CP2 và gói thầu CP1b đã hoàn thành hơn 85% khối lượng công việc. Theo ông Bùi Xuân Cường, BQL Đường sắt đô thị TPHCM phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ đưa đoàn tàu đầu tiên vào vận hành thử, tiến tới vận hành khai thác vào cuối năm 2021.

Ông Bùi Xuân Cường tặng giấy khen cho các đơn vị thi công

Người dân sẽ sớm được thăm quan tuyến Metro

BQL Đường sắt đô thị TPHCM cho biết, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên là một trong những công trình trọng điểm của thành phố. Đoạn Metro số 1 từ đường Đồng Khởi đến đường Nguyễn Huệ gần như đã hoàn thiện. BQL Đường sắt đô thị TPHCM có kế hoạch tổ chức cho người dân đi thăm quan tuyến metro sau khi hết dịch Covid 19.

Điều người dân thành phố mong chờ nhất là hình dáng đoàn tàu metro đầu tiên sắp cập cảng Việt Nam. Trung tuần tháng 4-2020, nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) đã thực hiện các công đoạn kiểm tra kỹ thuật lần cuối, cho chạy thử tại Nhật Bản trước khi vận chuyển đoàn tàu Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sang Việt Nam. Đoàn tàu điện ngầm đầu tiên này được sơn màu xanh, thiết kế bằng hợp kim nhôm. Sau khi nhập về Việt Nam, đoàn tàu sẽ được đưa về Depot Long Bình (Q9).

Về thông số kỹ thuật, đoàn tàu gồm 3 toa, với tổng chiều dài 61,5m, tốc độ tối đa thiết kế 110 km/giờ (đoạn trên cao), 80 km/ giờ (đoạn hầm). Đoàn tàu có thể chở tổng cộng 930 khách, trong đó có 147 khách ngồi ghế, 783 khách đứng; dự kiến tương lai sẽ nối thành 6 toa.

BQL Đường sắt đô thị TPHCM cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cũng như theo quy định của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản, các chuyên gia Nhật Bản tạm thời chưa được phép nhập cảnh vào Việt Nam. Do đó, các đoàn tàu chưa thể vận chuyển về Việt Nam trong thời điểm này. BQL Đường sắt đô thị TPHCM đang nỗ lực tìm các giải pháp tốt nhất để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa đoàn tàu đầu tiên về Việt Nam trong quý II/2020. Khi đoàn tàu metro số 1 được nhập về nước, đơn vị sẽ cho chạy kiểm tra kỹ thuật ở đoạn trên cao từ ga Bình Thái về deport Long Bình trong năm 2020.

Đêm 28 đến ngày 29-4, tại gói thầu CP1a (gói thầu được thi công cuối cùng) là ga Trung tâm ngầm Bến Thành, có hàng trăm công nhân, kỹ sư tất bật thi công tầng B3, do Liên danh Sumitomo Mitsui - Cienco 4 thực hiện. Ga ngầm Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố dài 515m. Có hơn 100 xe chở bê-tông thay phiên nhau vào công trình. Để tiến dần xuống nhà ga ngầm dưới lòng đất, công nhân phải men theo cầu thang sắt chỉ vừa một người đi. Dưới độ sâu 30m so với mặt đất, gần 100 kỹ sư, công nhân tất bật thi công đổ bê-tông xuyên đêm cho sàn B3C rộng 600m2. Đến sáng 29-4, khu vực sàn B3C đã hoàn thành, với khối lượng 1.200m3 bê-tông.

Đoàn tàu metro Bến Thành - Suối Tiên được chạy thử tại Nhật Bản

Kỹ sư Hoàng Phúc Thịnh (nhà thầu Cienco 4, phụ trách thi công tại công trường) cho biết, tại ga Trung tâm Bến Thành, đã hoàn thiện việc đổ bê-tông sàn tầng B4 là 100%, sàn tầng B3 (80%), sàn tầng B2 (90%), sàn tầng B1 (60%). Phấn đấu hoàn thành việc đổ bê-tông sàn của tất cả các tầng trong năm 2020. Tại công trường, luôn luôn có hàng trăm công nhân túc trực làm việc. Việc thi công chia làm nhiều mũi, mỗi khu vực bảo đảm từ 10 - 15 người làm việc, thực hiện nghiêm về cự ly giãn cách. Nếu tính cả ca ngày và đêm, khu vực công trường của gói thầu này có khoảng 500 công nhân làm việc.

Theo thiết kế, ga Trung tâm Bến Thành gồm 4 tầng. Tầng B1 là khu vực sảnh chính, bán vé, văn phòng làm việc kết hợp khu thương mại ngầm trong tương lai. Tầng B2 vận chuyển hành khách của tuyến Metro số 1 và số 3a. Tầng B3, B4 là tầng trung chuyển, dành cho nhà ga tuyến Metro số 2 và số 4 (tương lai). Theo BQL Đường sắt đô thị TPHCM, tính đến thời điểm hiện nay, lũy kế khối lượng thực hiện gói toàn tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã đạt 72,2% công việc. Theo kế hoạch đến cuối năm 2020, tuyến Metro số 1 phấn đấu đạt 85% khối lượng thi công và đưa đoàn tàu đầu tiên vào vận hành thử.

Nguồn: Nam Anh - congan.com.vn