Thị trường thép thành “đấu trường”

Theo đánh giá của giới chuyên gia, hiện tại cũng như vài năm tới, chắc chắn năng lực sản xuất thép mạ trong nước sẽ vượt xa nhu cầu thực tế của thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Theo tính toán, công suất dư thừa của ngành thép trong nước năm 2016 sẽ vào khoảng 2,2 triệu tấn.
 
Thép Trung Quốc vẫn “tuôn chảy”
 
Bởi vì, tổng công suất thiết kế các dây chuyền mạ trong nước hiện nay là 4,6 triệu tấn. Trong khi đó, tổng sản lượng thép mạ nhập khẩu vào khoảng 1,3 triệu tấn, sản lượng tiêu thụ trong nước vào khoảng 2,6 triệu tấn, còn xuất khẩu là 1,1 triệu tấn.
 
Dự báo của giới phân tích cho thấy, giá thép sẽ khó tăng từ quý III/2016 do xu hướng thừa công suất và giảm giá thép vẫn đang diễn ra trên thế giới, ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam. Áp lực cạnh tranh vẫn rất gay gắt do tình trạng dư cung ở Trung Quốc vẫn ở mức cao trong thời gian tới.
 
Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm 2016, lượng thép nhập khẩu các loại đã tăng 50,5% về lượng và 1,6% về trị giá, tuy nhiên nhập khẩu sản phẩm từ thép giảm 36,5% về trị giá.
 
Điều đáng chú ý là lượng thép Trung Quốc vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn đến 70% lượng thép nhập khẩu. Nhập khẩu thép từ Trung Quốc đã tăng nhanh, từ 6,6 triệu tấn vào năm 2014 lên 10 triệu tấn năm 2015. Trong các nước ASEAN, Việt Nam trở thành nước nhập khẩu thép lớn nhất từ Trung Quốc.
 
Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định ngành thép Việt Nam đang đối mặt với những khó khăn và thách thức của việc cạnh tranh với thép xuất khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.
 
Ngoài ra, ngành thép phải đối phó với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của thép nhập khẩu chứa các nguyên tố hợp kim như Bo, Cr…Trong khi sản xuất thép trong nước mới đạt 60% công suất, nhiều doanh nghiệp (DN) phải ngưng sản xuất tạm thời, công nhân không đủ việc làm.
 
Trên thực tế, khủng hoảng công suất thừa tại Trung Quốc đang khiến nước này đẩy mạnh xuất khẩu thép ra thị trường thế giới dựa trên chính sách giá rẻ và ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ. Điều đó dẫn tới nhiều động thái phòng vệ thương mại (PVTM) từ nhiều quốc gia, và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
 
Thế nhưng, bất chấp một số vụ kiện thương mại chống lại Trung Quốc được nộp đơn, bởi Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN như Indonesia, Thái Lan và Malaysia, các nước ASEAN đã không thể “ngăn chặn làn sóng” nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng 33% từ đầu năm 2016 đến nay so với cùng kỳ năm 2015.
 
Hơn nữa, mức độ “tuôn chảy” của thép Trung Quốc đã gây một hiệu ứng domino không lành mạnh, cho thấy các nước ASEAN cũng có liên quan đến các vụ kiện thương mại này.
 
Khó trong, khó ngoài
 
Điều đáng nói, trong lúc thị trường nội địa gặp khó thì thép xuất khẩu của Việt Nam lại đối mặt nhiều rào cản khi là sản phẩm bị các nước nhập khẩu liên tục yêu cầu khởi điều tra và áp dụng các biện pháp PVTM nhiều nhất.
 
Theo thống kê, hiện tại ngành thép Việt Nam đang bị áp dụng khoảng 62 biện pháp PVTM từ khắp thế giới. Tính đến tháng 12/2015, đã có 16 quốc gia áp dụng biện pháp PVTM lên mặt hàng thép Việt Nam, trong đó nhiều nhất là từ Hoa Kỳ, Malaysia, Thái Lan, Chile, Ấn Độ, Indonesia…
 
Tại hội thảo tổng kết thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) tổ chức ở Tp.HCM vào tuần qua, Ts. Nguyễn Thị Thu Trang (Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI), đã lưu ý thép Việt Nam là sản phẩm bị kiện nhiều nhất hiện nay.
 
Theo bà Trang, việc này cũng giống với thế giới khi thép là đối tượng của nhiều vụ kiện. Khác với thế giới, Việt Nam kiện thép thành phẩm, còn thế giới kiện thép nguyên liệu là chủ yếu.
 
Còn theo nhận định của ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen, những vụ kiện PVTM từ các nước đã gây khó khăn cho DN thép Việt Nam trong thị trường xuất khẩu.
 
Trong khi đó, Việt Nam chỉ có hai vụ kiện PVTM cho mặt hàng thép đã áp thuế, do đó hàng nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc vẫn đang ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam.
 
Các chuyên gia khuyến nghị, với sự cần thiết của việc sử dụng các biện pháp PVTM, các DN, hiệp hội cần sự giúp đỡ từ các cơ quan chức năng bằng cách đẩy nhanh tiến độ các vụ kiện PVTM với mục đích là sớm ra quyết định áp thuế. Đồng thời, đảm bảo việc áp dụng các biện pháp PVTM là phù hợp với các quy định quốc tế.
 
Theo ông Vũ Văn Thanh, các DN, hiệp hội sản xuất trong nước cần phải xích lại gần nhau hơn nữa để sử dụng hiệu quả các biện pháp PVTM, bảo vệ thị trường trong nước trước sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu. Các DN Việt Nam cũng nên chủ động sử dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ mình.
 
Về phía VSA, ông Hồ Nghĩa Dũng cho biết sẽ ủng hộ các DN thép trong nước kiến nghị với Chính phủ áp dụng những biện pháp bảo vệ sản xuất thép nội địa kể cả sử dụng biện pháp PVTM theo đúng thông lệ quốc tế trước làn sóng thép xuất khẩu giá rẻ từ nước ngoài.

Theo Thế Vinh (TBKD) - cafeland.vn