Tin tức
Thép Trung Quốc nghi ‘đội lốt’ thép Việt Nam xuất sang EU: VCCI lên tiếng
Chiều 4/8, bà Trần Thị Thu Hương (Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại của VCCI) đã phản hồi nghi vấn về việc cơ quan này cấp C/O Việt Nam cho thép Trung Quốc rồi xuất qua EU.
Bà Hương nói: “Sau khi nhận được thông tin, VCCI đã tổng hợp số liệu cấp CO và xác nhận chứng từ thương mại cho các doanh nghiệp xuất khẩu thép phủ sơn xuất khẩu sang EU”.
“Kết quả thống kê các tổ cấp C/O trực thuộc VCCI thông báo không nơi nào cấp C/O cho sản phẩm này mà chỉ cấp Giấy chứng nhận,” bà Hương, nói thêm.
Cũng theo bà Hương, Giấy chứng nhận được cấp khi sản phẩm xuất khẩu không đáp ứng qui định về qui tắc xuất xứ mẫu A (ưu đãi thuế quan phổ cập GSP cấp cho Việt Nam xuất khẩu sang các nước) để được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập cũng như quy tắc xuất xứ mẫu B (CO không ưu đãi).
“Trong trường này doanh nghiệp cần xác nhận các công đoạn gia công (đây là công đoạn gia công đơn giản như: lau chùi, cắt, sơn, mài, đánh bóng, đóng gói...) được tiến hành tại doanh nghiệp thì VCCI sẽ cấp Giấy chứng nhận xác nhận các công đoạn gia công thực tế được thực hiện tại doanh nghiệp,” bà Hương cho hay.
“Hoặc trong trường hợp sản phẩm được nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam rồi xuất khẩu đi nước khác thì VCCI sẽ xác nhận sản phẩm này được xuất khẩu từ Việt Nam sang EU hay một nước nào đấy,” bà Hương nói thêm.
C/O (viết tắt của Certificate of Origin) là giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá do cơ quan có thẩm quyền hay đại diện có thẩm quyền tại nước xuất khẩu cấp để chứng nhận xuất xứ của sản phẩm nước đó theo quy tắc xuất xứ.
Vì C/O liên quan đến hưởng miễn giảm thuế nên có nhiều form khác nhau (C/O form A, C/O form B, C/O form D, C/O form E…).
Hiện, ở Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền cấp C/O là Bộ Công thương (trực tiếp hoặc uỷ quyền cho VCCI).
Hồi cuối tháng 7, cơ quan chống gian lận thương mại thuộc Ủy ban châu Âu (OLAF), hải quan Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ba Lan cho biết thời gian gần đây ghi nhận một số lượng lớn các sản phẩm thép cuộn phủ sơn nhập khẩu từ Việt Nam có dấu hiệu gian lận thương mại.
Cụ thể, OLAF nghi ngờ khả năng có doanh nghiệp Trung Quốc bán thép vào Việt Nam rồi dùng C/O Việt Nam xuất khẩu sang EU để tránh thuế chống bán phá giá.
OLAF cho hay, đã có khoảng 190 chuyến hàng thép cuộn (trị giá khoảng 19 triệu USD) phủ sơn hoặc được xếp lên tàu tại các cảng của Việt Nam và/hoặc mang theo C/O Việt Nam do VCCI cấp đã được nhập khẩu vào EU trong giai đoạn 2013 – 2014.
Trước nghi ngờ từ OLAF, bà Trần Thị Thu Hương khẳng định “sẽ kiểm tra dữ liệu, xác minh thông tin”.
Nguyên chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường nói rằng “nếu nghi ngờ của OLAF là thật sẽ tiềm ẩn mối nguy hại cho các doanh nghiệp thép chân chính của Việt Nam”.
Ông Nguyễn Văn Sưa (Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam) cho biết, nếu có tình trạng doanh nghiệp dán mác Việt Nam vào thép Trung Quốc rồi xuất khẩu sang EU thì sẽ gây hại lớn cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thép nội địa.
“Việc này sẽ khiến lượng thép Việt Nam xuất ra các nước ít đi, trong khi thép Trung Quốc lại được hưởng lợi một cách thiếu minh bạch, gian lận thương mại,” ông Sưa nói.
Theo Hoàng Hưng - vtc.vn