Nhật Bản tài trợ hơn 166 tỷ yên cho ba dự án lớn của Việt Nam

Lễ ký kết Hiệp định vốn vay ODA Nhật Bản với Việt Nam nhằm xây dựng cơsở hạ tầng, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế và hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương


3 dự án được JICA tài trợ bao gồm: Xây dựng Tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên; Xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Điện Thái Bình và đường dây truyền tải điện; Cải tạo Môi trường Nước Tp. HCM – Giai đoạn 2.
 
Cụ thể, với dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên nhằm xây dựng hệ thống vận tải công cộng đô thị, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí. Nguồn vốn từ khoản vay lần ba này sẽ được sử dụng cho các hạng mục xây lắp, mua sắm vật tư, thiết bị và dịch vụ tư vấn để phục vụ mục đích xây dựng tuyến đường sắt. Dự kiến, tháng 11/2020 bắt đầu đưa vào khai thác.
 
Dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình và các đường dây truyền tải điện hướng tới mục tiêu xây dựng nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất 600 MW sử dụng nhiên liệu than nội địa, lắp đặt các đường dây truyền tải 220kV và các trạm biến áp. Đồng thời kết nối nhà máy điện với lưới điện khu vực miền Bắc nhằm đáp ứng nhu cầu điện trong khu vực. Vốn vay được sử dụng cho hoạt động xây dựng, mua sắm vật tư, trang thiết bị để xây dựng nhà máy điện, đường dây truyền tải và trạm biến áp, đồng thời được sử dụng cho các dịch vụ tư vấn như hỗ trợ đấu thầu và giám sát thi công công trình. Dự kiến, dự án hoàn thành vào tháng 4/2018.
 
Đối với dự án thứ 3 là dự án cải tạo môi trường nước thành phố Hồ Chí Minh – Giai đoạn 2 giảm thiểu thiệt hại do ngập lụt và nâng cao năng lực xử lý nước thải thông qua xây dựng cải tạo hệ thống xử lý nước thải, hệ thống thoát nước mưa và nước thải của thành phố Hồ Chí Minh. Khoản vay này sẽ được phân bổ để cải tạo hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thoát nước thải, bao gồm việc cải tạo kênh rạch, cải tạo sửa chữa hệ thống đường ống nước thải, xây mới hệ thống đường ống nước thải kết hợp và mở rộng nhà máy xử lý nước thải cũng như dịch vụ tư vấn. Dự kiến tháng 10/2019, dự án hoàn thành, bắt đầu đưa vào sử dụng.
 
Để duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đồng thời thực hiện mục tiêu quốc gia trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020 trong bối cảnh mới, Việt Nam cần thực hiện đổi mới cơ cấu kinh tế và hệ thống hành chính quốc gia, bao gồm nâng cấp hệ thống tài chính và cơ sở hạ tầng vì mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư. Thành công trong những lĩnh vực này sẽ giúp ổn định nền kinh tế vĩ mô trong trung và dài hạn đồng thời tăng cường năng lực cạnh tranh.
 
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tăng cường các biện pháp nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương như nâng cao mức thu nhập cho người dân ở nông thôn (chiếm khoảng 70% dân số quốc gia và có tỉ lệ nghèo cao hơn so với thành thị), cải thiện vệ sinh môi trường vốn đang phải gánh chịu tác động bất lợi do quá trình đô thị hóa.
 
Trong bối cảnh trên, các khoản vay ODA lần này sẽ giúp hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế thiết yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy cải thiện môi trường để khắc phục đặc tính dễ bị tổn thương của quốc gia./.

Theo Trần Ngọc - vov.vn