Nhập khẩu sắt thép vụn gặp khó, doanh nghiệp 'ngồi trên lửa'

Nhập khẩu sắt thép vụn gặp khó, doanh nghiệp ngồi trên lửa - Ảnh 1.

            Một dây chuyền sản xuất thép bằng công nghệ lò điện hồ quang ở Bà Rịa- Vũng Tàu. Ảnh: ĐÔNG HÀ.

Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa có văn bản gửi tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan kiến nghị tháo gỡ những khó khăn trong quản lý sắt thép vụn nhập khẩu.

Chi phí lưu container tiền tỉ

Trước đó, ngày 26-6, để siết chặt việc nhập khẩu các loại phế liệu có hại, Tổng cục Hải quan yêu cầu khi thực hiện thủ tục đối với hàng khai báo là phế liệu nhập khẩu phải lấy mẫu để phân tích, đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường, đồng thời, phải chụp ảnh thực tế hàng hóa nhập khẩu để phục vụ công tác thanh, kiểm tra.

VSA cho rằng từ công văn trên, nhiều hội viên của hội là các doanh nghiệp sản xuất thép bằng công nghệ lò điện hồ quang đã gặp khó khăn, vướng mắc và phát sinh thêm thời gian, chi phí cho việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. 

Hiện có khoảng 10 doanh nghiệp sản xuất thép bằng công nghệ điện hồ quan là hội viên của VSA.

Cụ thể, nếu thực hiện theo công văn trên, cứ 100 container sắt thép vụn nhập khẩu phải lấy mẫu 10 tấn, theo VSA thì lượng lấy mẫu này là rất lớn và gây khó khăn cho cả hải quan lẫn doanh nghiệp. 

Ngoài ra, việc thực hiện theo quy định trên cũng sẽ kéo dài thời gian thông quan, làm phát sinh chi phí lưu container, lưu bãi, lưu tàu.

Nhập khẩu sắt thép vụn gặp khó, doanh nghiệp ngồi trên lửa - Ảnh 2.

Thép thành phẩm sản xuất bằng công nghệ lò diện hồ quang ỏ Bà Rịa- Vũng Tàu - Ảnh: ĐÔNG HÀ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một doanh nghiệp sản xuất thép hồ quang ở phía Nam cho biết, trung bình mỗi ngày phí lưu một container khoảng hơn 1 triệu đồng và hiện chỉ riêng phí lưu container này doanh nghiệp đã tốn hơn 1 tỉ đồng. 

"Đáng nói, số tiền lưu container này chúng tôi trả cho nước ngoài, các hãng nước ngoài. Chúng tôi đang đứng ngồi không yên, như ngồi trên lửa", đại diện doanh nghiệp này nói.

Chưa hết, theo ý kiến của các hội viên VSA, việc lấy mẫu và chờ kết quả giám định dự kiến kéo dài từ 30 đến 90 ngày thì các nhà máy sẽ không đủ nguyên liệu đầu vào cho sản xuất cũng như có nguy cơ phải bồi thường cho các chủ hàng vì giao hàng không đúng hạn.

Từ những bất cập trên, VSA đề nghị Tổng cục Hải quan loại trừ sắt thép vụn (mã HS 7204) ra khỏi đối tượng điều chỉnh của công văn trên. 

Ngoài ra, VSA cũng đề nghị tăng tỷ lệ tạp chất trong các lô hàng sắt thép vụn nhập khẩu từ 3-4% thay vì 1% như hiện nay vì rất khó tìm được sắt thép vụn có tỷ lệ tạp chất chỉ 1%.

Công nghệ luyện thép bằng lò điện hồ quang ở nhiệt độ từ 1.600-1.700 độ C đã đốt cháy, phân hủy hết các tạp chất.

Đáng chú ý, những năm gần đây, sản lượng thép sản xuất bằng điện hồ quang tại Việt Nam ngày càng tăng cao và nhiều hơn từ 2 đến 10 lần so với sản xuất thép bằng lò cao.

Từ 2013 đến 2017, mỗi năm các doanh nghiệp sản xuất thép hồ quang nhập khẩu từ hơn 3.000 đến gần 5.000 tấn sắt thép phế liệu để làm nguyên liệu còn sắt thép phế liệu trong nước chỉ đáp ứng chưa tới một nữa nhu cầu sản xuất.

     Sau khi có chỉ đạo Tổng cục Hải quan, có nhiều cục hải quan tỉnh, thành phố đã gặp khó khăn triển khai.

     Cụ thể, Cục Hải quan Hà Tĩnh có đề nghị Tổng cục hải quan hướng dẫn, giải thích về vướng mắc như sau:

     Cơ quan hải quan căn cứ vào kết quả giám định của cơ quan giám định được Bộ Tài nguyên và môi trường chỉ định để giải quyết thủ tục hay chờ kết quả của Cục Kiểm định Hải quan?

     Nếu phải chờ kết quả của cả hai cơ quan trên thì căn cứ vào kết quả của cơ quan nào để giải quyết?.

     Và trong trường hợp, kết quả kiểm tra phế liệu nhập khẩu của Cục Kiểm định Hải quan và tổ chức giám định có sự khác nhau thì kết quả xử lý như thế nào?

(Nguồn: Đông Hà - tuoitre.vn)