Ngành thép sẽ ra sao trong năm 2019?

Báo cáo triển vọng ngành thép năm 2019 mới được VCBS công bố cho biết, trong năm 2019, khả năng giá thép giảm sâu xuống dưới 12 triệu đồng/tấn là khá thấp do thuế tự vệ bổ sung vẫn còn kéo dài tới hết tháng 3/2020, thép phế liệu vẫn duy trì ở mức khá cao (350 USD/tấn) so với giai đoạn 2015-2017 (250 – 300 USD/tấn) cùng với việc bị siết chặt nhập khẩu dẫn tới các nhà sản xuất từ lò điện sẽ có xu hướng nhập phôi đang giảm giá từ Trung Quốc về để cán.

Trong kịch bản giá nguyên liệu đi ngang ở thời điểm hiện tại, VCBS ước tính điểm hòa vốn các doanh nghiệp này từ sẽ ở mức khoảng 12,035 triệu đồng/tấn, đây được xác định là mức giá tối thiểu của thị trường Việt Nam.

Chuyên gia của VCBS cũng cho biết, biến động giá thép của Trung Quốc trong năm 2019 mức giảm sẽ không quá lớn.

Giá thép tại Trung Quốc tăng mạnh trong năm 2018 đến từ 2 yếu tố đầu cơ trong giai đoạn cắt giảm, sự thay đổi trong cấu trúc thị trường với thị phần tập trung về tay các nhà sản xuất lớn (~40% và kỳ vọng đạt 70% trong 2020). Hiệu ứng đầu cơ chấm dứt là nguyên nhân chính khiến giá thép giảm, tuy nhiên thị trường bớt phân mảnh hơn sẽ là yếu tố nâng đỡ giá thép khỏi giảm sâu như trong quá khứ.

Cũng tại báo cáo, VCBS nhận định, sản lượng tiêu thụ thép tiếp tục tăng trưởng do đầu tư công đẩy mạnh trong giai đoạn 2019 đặc biệt các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng là thiết yếu trong sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Theo đó, nhu cầu đối với sản phẩm xây dựng cơ bản như thép vẫn ở mức cao. Bộ Công thương dự báo tiêu thụ thép sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 15%/năm cho tới năm 2020 (tương đương mức tiêu thụ 285 kg thép/người, mức trung bình của khu vực ASEAN).

Năm 2018, mặt bằng giá thép tại Việt Nam tăng khá nhanh và duy trì ở mức trên 13 triệu đồng/tấn trong nửa cuối năm 2018, cao hơn so với mặt bằng cùng kỳ khoảng 15% nhờ hưởng lợi chính sách cắt giảm mùa đông tại Trung Quốc được kéo dài. Dù nhu cầu sản xuất tăng cao, song giá nguyên liệu quặng sắt biến động trong biên độ 60-70 USD/tấn. Theo đó, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp thép xây dựng tăng nhanh chóng.

  

Tuy nhiên, tình hình có sự thay đổi nhanh chóng kể từ quý 4/2018 khi giá thép tại Trung Quốc bắt đầu giảm mạnh do động thái nới lỏng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cho thấy khả năng cao tiến độ cắt giảm sẽ chậm lại, sản lượng tăng trong suốt thời kỳ giá thép ở mức cao đã dần vượt qua nhu cầu có xu hướng giảm trong các tháng cuối năm tại Trung Quốc.

Dù vậy, giá thép tại Việt Nam phản ứng giảm khá chậm so với Trung Quốc nhờ thị trường Việt Nam đang được bảo hộ, chính sách siết chặt nhập khẩu phế liệu và giá thép phế thế giới tăng nhanh khiến cho mặt bằng chi phí sản xuất nội địa ở mức cao (chủ yếu tại các doanh nghiệp vận hành lò điện).

Theo đó, dư địa để giảm giá bán của toàn ngành hầu như không còn, dẫn tới sự chênh lệch khá lớn giữa mức giảm giá thép tại Trung Quốc và Việt Nam (lần lượt đạt -18% mom và -4,5% mom).

Sản lượng bán hàng ống thép toàn ngành trong 10 tháng chỉ còn ở mức dưới 10%, giảm khá nhiều so với tốc độ tăng trưởng CAGR 17,5%/năm trong giai đoạn 2013-2017. Đến hết tháng 10, tổng sản lượng tiêu thụ đạt khoảng 2 triệu tấn.

(Nguồn: Bảo Vy - bizlive.vn)