Ngành thép: Nỗi lo từ hàng rào phi thuế quan

Doanh nghiệp thép cần thông tin về phòng vệ thương mại

Ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) - cho biết: Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), năm 2018, khi xuất nhập khẩu trong nội khối,  97% mặt hàng có thuế bằng 0%; Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) cũng quy định, năm 2018, 93% mặt hàng sẽ có thuế suất 0%. Đây là cơ hội giúp DN thép tăng sản lượng, mở rộng thị trường XK. Tuy nhiên, hội nhập không chỉ mang lại cơ hội mà còn đi kèm nhiều thách thức bởi khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, các quốc gia nhập khẩu sẽ dựng lên hàng rào phi thuế quan bảo hộ hàng sản xuất trong nước. Thống kê của VSA cho thấy: Giai đoạn từ năm 2010 - 2014, Việt Nam đã phải đối mặt với 21 vụ tranh tụng thương mại liên quan đến sản phẩm thép, trong đó có 11 vụ kiện chống bán phá giá, 4 vụ kiện chống trợ cấp và 6 vụ kiện về điều tra áp dụng các biện pháp tự vệ.

Bên cạnh đó, mở cửa thị trường, sản phẩm thép XK của Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm các nước tham gia fta tự do, đặc biệt là Trung Quốc. Ông Nguyễn Ngọc Quang – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam - chia sẻ: Thép Trung Quốc nhận được nhiều ưu đãi đặc biệt của Chính phủ để đẩy mạnh XK và đang là đối thủ đáng gờm cho bất cứ quốc gia nào, không chỉ Việt Nam. Vì vậy, dù hội nhập mang lại cơ hội lớn do giảm thuế, nhưng việc mở rộng thêm thị trường XK trong thời gian tới không dễ dàng.

Nhằm phát huy lợi thế, hạn chế tối đa khó khăn khi XK thép, ông Vũ Văn Thanh – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen (HSG) - thông tin: HSG luôn chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với bất kỳ tình huống nào. Nhờ đó, sản phẩm của tập đoàn luôn tự tin vượt qua các hàng rào kỹ thuật bởi chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao.

“Riêng về hàng rào thương mại sẽ phức tạp hơn bởi hiện nay, nhiều quốc gia có xu hướng sử dụng triệt để biện pháp này nhằm bảo hộ cho sản xuất trong nước. Do đó, DN rất cần sự hỗ trợ của Bộ Công Thương về biện pháp phòng vệ thương mại, thông tin pháp luật cạnh tranh của các nước” - ông Vũ Văn Thanh đề xuất.

Ông Nguyễn Ngọc Quang kiến nghị: Các cơ quan quản lý nhà nước cần tích cực thông tin về thị trường, hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm vào những thị trường có tiềm năng. “Về phía DN, chúng tôi sẽ chủ động liên kết để mở rộng sản xuất, nâng cấp thiết bị công nghệ và trình độ quản trị nhằm sản xuất sản phẩm thép chất lượng cao; đa dạng hóa thị trường để giảm thiểu rủi ro do tranh tụng thương mại” - ông Quang nhấn mạnh.

Để vượt qua được hàng rào phi thuế quan, DN cần nâng cao khả năng cạnh tranh bằng chất lượng và giá thành sản phẩm.

(Nguồn: Phương Lan - baocongthuong.com.vn)