Tin tức
Ngành thép chủ động để hưởng lợi từ CPTPP
Sản xuất phôi thép tại Công ty Cổ phần thép Toàn Thắng (Khu Công nghiệp Sông Công I). Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang được các đại biểu thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Đây là Hiệp định có ý nghĩa quan trọng đối với nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của Việt Nam; trong đó, Hiệp định này được đánh giá sẽ có những tác động lớn hai chiều tới ngành thép.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, CPTPP sẽ mang những tác động tích cực với các doanh nghiệp trong ngành. Dễ thấy nhất là rất nhiều nước trong nhóm CPTPP đều là những nước được đánh giá có nhu cầu nhập khẩu thép thành phẩm chiếm tỷ trọng lớn toàn cầu hoặc là thị trường mới của Việt Nam như Canada, Malaysia.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nhận định, đây là cơ hội cho Việt Nam tiếp cận các thị trường này để tăng kim ngạch xuất khẩu trong ngành. Cùng với đó, các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ sẽ giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu hơn.
Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang phải chịu rất nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại từ các nước thì CPTPP chính là một cánh cửa để thép Việt Nam xuất khẩu đi các nước một cách thuận lợi hơn.
Ngược lại, với các nước trong nhóm có nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất thép như quặng sắt, than mỡ, than cốc... như Australia, Việt Nam có thể nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, thiết bị sản xuất thép tiên tiến.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Sưa cho rằng, CPTPP cũng mang tới những tác động tiêu cực cho các doanh nghiệp ngành thép, dù những tác động này là rất nhỏ. Nếu có ảnh hưởng thì lĩnh vực thép xây dựng sẽ chịu tác động mạnh hơn cả. Còn với mặt hàng tôn mạ, đây là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam trong nhiều năm qua, do vậy, cơ hội cho ngành tôn mạ sẽ lớn hơn.
Đại diện Hiệp hội Thép cũng cho rằng, các sản phẩm thép trong nước, do đặc thù công nghệ chế biến của chúng ta còn lạc hậu nên các doanh ngành thép tập trung cho sản xuất thép xây dựng mà chưa thể sản xuất được thép tấm, thép cơ khí chế tạo chất lượng cao. Đây là điểm yếu của doanh nghiệp Việt trong quá trình hội nhập nói chung và tham gia CPTPP nói riêng.
Để có thể tận dụng những cơ hội mà CPTPP mang lại, theo ông Sưa, các doanh nghiệp ngành thép trong nước cần phải nghiên cứu kỹ những nội dung, các quy tắc nội khối để có thể đáp ứng tốt nhất, đồng thời tránh được các rủi ro không đáng có. Ngoài ra, về chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp cũng cần xác định mô hình tăng trưởng bền vững của mình, hướng tới chất lượng và chiều sâu.
Theo ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Tổng công ty Thép Việt Nam, CPTPP là cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp. Nhưng để tận dụng tốt cơ hội này, đòi hỏi các doanh nghiệp ngoài nghiên cứu, nắm bắt các nội dung, quy tắc khi tham gia Hiệp định, còn phải nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu vốn rất khó tính này.
Thời gian tới, Tổng công ty Thép Việt Nam sẽ tăng cường nắm bắt và phân tích thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời rà soát và đánh giá toàn diện các mặt liên quan đến kỹ thuật như dây chuyền thiết bị, công nghệ của các đơn vị sản xuất để định hướng các đơn vị xây dựng kế hoạch đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của các đơn vị trong tổng công ty.
Không chỉ sân chơi CPTPP, mà khi tham gia bất kỳ sân chơi hội nhập chung nào, sự bình đẳng và cạnh tranh sòng phẳng bằng chất lượng sẽ là yếu tố sống còn. Với ngành thép, nếu doanh nghiệp chỉ có thể đưa ra các sản phẩm với chất lượng tầm trung, thiếu hàm lượng công nghệ, không rõ ràng về năng suất lao động và bảo vệ môi trường thì chắc chắn sản phẩm đó sẽ không thể cạnh tranh.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tâm thế của Việt Nam, nhìn từ hiệp định thương mại tự do này là thực thi một cách chủ động. Nhờ đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng chủ động hơn trong việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược kinh doanh và ứng phó với các điều chỉnh sau CPTPP.
Vậy làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam vươn ra được thị trường của các nước thuộc khối CPTPP này, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, chính bản thân doanh nghiệp phải tìm hiểu thông tin một cách thực chất, trọng tâm phù hợp với chiến lược đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần hài hòa khai thác thị trường truyền thống và thị trường mới. CPTPP vẫn được coi là tiêu chuẩn cao nhưng doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được. Doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là nhỏ và vừa, song không phụ thuộc vào quy mô mà phụ thuộc vào con đường và bước đi. Các doanh nghiệp lớn và vừa có thể tìm hiểu và khai thác trực tiếp ngay khi CPTPP có hiệu lực. Còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa khác thì có thể chọn con đường gián tiếp, lâu dài hơn.
Ông Dương ví dụ, trước mắt các doanh nghiệp có thể khai thác các hiệp định quy mô nhỏ hơn và trong quá trình ấy thì dần dần họ có quan hệ, thương hiệu, đối tác và kinh nghiệm tổ chức sản xuất. Sau một thời gian, họ sẽ lớn mạnh dần, CPTPP vẫn còn đó và họ có thể từng bước tham gia. "CPTPP là cuộc chơi lâu dài", ông Dương nhấn mạnh./.
(Nguồn: Đức Dũng - BNEWS/TTXVN)