Tin tức
Dự án Vành đai 2 TP.HCM thi công cầm chừng, chậm chạp
Ngày 4-6, Ban Kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM khóa IX có buổi giám sát về tiến độ triển khai đầu tư dự án Vành đai 2.
- Bổ sung đầu tư công để khép kín đường vành đai 2
- Linh hoạt chọn phương thức đầu tư khép kín đường vành đai 2
- Kết nối khu đô thị Q.9 vào đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây
Tuyến đường Võ Chí Công - Vành đai 2 (quận 2 - TP.HCM) đang hình thành kết nối với đoạn Phạm Văn Đồng - Gò Dưa (Q.Thủ Đức) tạo tuyến đường vòng cung bao quanh TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Tại buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ và nhiều đơn vị cùng bàn bạc tiến độ xây dựng tuyến đường Vành đai 2. Đồng thời nêu ra những khó khăn vướng mắc mà các dự án này đang gặp phải.
Căn cứ vào đó, TP sẽ có những phương án khắc phục, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tuyến đường vành đai quan trọng.
Theo ông Trần Đức Thắng - tổng giám đốc Công ty CP Văn Phú - Bắc Ái (nhà đầu tư dự án), đoạn Vành đai 2 Phạm Văn Đồng - nút giao thông Gò Dưa (Q.Thủ Đức) dài 2,75km, có tổng vốn đầu tư 2.100 tỉ đồng, trong đó chi phí xây lắp 1.000 tỉ đồng, giải phóng mặt bằng 1.100 tỉ đồng.
Tuy nhiên, hiện dự án đang thi công cầm chừng, chậm chạp do vướng giải phóng mặt bằng, các hạ tầng kỹ thuật khác như đường dây điện, cáp quang…
Cụ thể, quận Thủ Đức đã bàn giao 60% diện tích giải phóng mặt bằng, xác nhận khối lượng thi công đạt 402 tỉ/1.000 tỉ đồng. Nhà đầu tư đã tạm ứng phục vụ công tác bồi thường, di dời giải phóng mặt bằng cho cơ quan nhà nước là gần 900 tỉ đồng.
Trong đó, có nhiều đoạn bàn giao không liền mạch, các khu đất rời rạc nên dẫn tới đơn vị thi công không triển khai xây dựng liền mạch được.
Không chỉ vậy, dự án vướng các hạ tầng kỹ thuật, đường dây điện, cáp quang… không thể giải tỏa trắng được. Các sở ngành và địa phương phải phối hợp sao cho vừa thi công, vừa cung cấp dịch vụ cho người dân sử dụng. Do vậy, TP phải có đơn vị điều phối và chủ trì vấn đề này.
Nhanh hơn với mạng lưới cao tốc TP.HCM kết nối các tỉnh
TTO - Với dự án xây dựng đường vành đai 3 - TP.HCM thành cao tốc vừa được Bộ GTVT trình Thủ tướng đầu tư, việc sớm phát triển các tuyến cao tốc kết nối các tỉnh sẽ giúp giải quyết ùn tắc giao thông từ TP.HCM đi các tỉnh thành trọng điểm phía Nam.
Việc khép kín các tuyến đường Vành đai 2, Vành đai 3 là nhiệm vụ cấp bách của TP.HCM - Ảnh: QUANG KHẢI
Nhà đầu tư đề nghị quận Thủ Đức nhanh chóng bàn giao mặt bằng từ nay cho đến tháng 10-2019. Chậm nhất, mặt bằng phải được bàn giao trong năm 2019. Sau khi có mặt bằng, 40% còn lại của dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020.
Bí thư Quận ủy Thủ Đức Nguyễn Mạnh Cường cho biết đến nay mới có 258/466 hộ bàn giao mặt bằng, đạt 117.504m2/206.917m2 (gần 60%).
Theo ông, quận đang tích cực triển khai các thủ tục, phần việc còn lại đến cuối năm nay sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng giao cho nhà đầu tư.
Kết thúc buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị nhà đầu tư cần chủ động, đẩy mạnh phối hợp các sở, ngành và quận Thủ Đức di dời hạ tầng kỹ thuật, nhận bàn giao mặt bằng. Các bên cùng cố gắng để nhà đầu tư kịp hoàn thành dự án như cam kết.
Đối với quận Thủ Đức, bà Lệ yêu cầu cần tập trung giải quyết vấn đề mặt bằng, phải làm tốt công tác dân vận, vận động người dân thực hiện bàn giao mặt bằng sớm.
Bà Lệ nhấn mạnh đối với mỗi dự án, phải thành lập một ban chỉ đạo nắm các đầu mối, chủ động liên kết các bên, các đơn vị cùng giải quyết vướng mắc. Đồng thời cập nhật hồ sơ dự án liên tục, có tiếp xúc với dân để nắm rõ tình hình dự án.
Đường Vành đai 2 TP.HCM dài hơn 64km, quy mô 6-10 làn xe, hiện đã đầu tư được hơn 54km, bề rộng trung bình 35m. Tuyến đường còn 3 đoạn dài hơn 10km chưa được đầu tư.
(Nguồn: Thu Dung - tuoitre.vn)