Chuyện ngành thép 2018: Sự trỗi dậy của làn sóng bảo hộ thương mại

Trong một hội thảo cuối tháng 8/2018, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, cho biết thế giới có hơn 1.500 vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại. Trong đó, ngành thép nói chung chiếm tới 30%.

Câu chuyện bắt đầu vào tháng 3/2018 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký quyết định áp thuế 10% đối với nhôm và 25% đối với thép nhập khẩu từ tất cả quốc gia. Hành động này của ông Trump được cho là nhằm vào quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới, Trung Quốc, với cáo buộc rằng nước này đang bán rẻ thép dư thừa ra thị trường thế giới, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước của Mỹ.

Châu Âu và lần lượt nhiều quốc gia khác cũng bắt đầu dựng hàng rào bảo hộ ngành thép, vừa để trả đũa Mỹ vừa để ngăn thép giá rẻ của Trung Quốc ồ ạt chuyển hướng sang.

Đồ họa: Liên Hương.

Chiến tranh thương mại bùng nổ, thép Việt bị “vạ lây”

Đầu tháng 3/2018, Mỹ ban hành quyết định áp thuế với thép trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Cũng trong năm 2018, Mỹ liên tiếp điều tra hai vụ việc liên quan tới thép Việt Nam và áp thuế rất cao với thép cán nguội của Việt Nam. Để hiểu được nguyên nhân có lẽ phải nhìn lại vụ việc EU phát hiện thép Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam để trốn thuế khi xuất khẩu vào khu vực này trong năm 2017.

Tháng 11/2017, Cơ quan chống gian lận của Ủy ban châu Âu (OLAF) cho biết phát hiện thép Trung Quốc được vận chuyển qua Việt Nam lấy mác “Made in Vietnam” để tránh bị đánh thuế theo quy định của khối. Cụ thể, trước khi xuất khẩu sang EU, thép tráng hữu cơ do Trung Quốc sản xuất được xuất khẩu sang Việt Nam để lấy giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ Việt Nam. Với “mánh khóe” này, thép Trung Quốc đã trốn được khoản thuế chống bán phá giá gần 8,2 triệu euro (9,6 triệu USD) từ EU.

EU nhận thấy nguy cơ thép Trung Quốc dùng mác Việt Nam để lẩn tránh thuế khi các báo cáo cho biết nhập khẩu thép chống gỉ từ Việt Nam tăng mạnh sau khi khu vực này ban hành quyết định áp thuế chống trợ cấp đối với thép chống gỉ có xuất xứ từ Trung Quốc vào tháng 8.

Động thái của EU được xem là ngòi châm cho loạt hành động điều tra thép Việt Nam của Mỹ sau này, mà đầu tiên là vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với thép carbon chống ăn mòn và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam vào tháng 11/2017.

Với kết luận rằng có sự lẩn tránh thuế đối với một số sản phẩm thép từ Trung Quốc qua Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ, Bộ Thương mại Mỹ vào tháng 5/2018 quyết định áp thuế chống bán phá giá 199,76% và thuế chống trợ cấp 256,44% đối với thép cuộn cán nguội sản xuất tại Việt Nam bằng thép chất nền có xuất xứ Trung Quốc.

Thép chống gỉ từ Việt Nam chịu mức thuế chống bán phá giá 199,43% và thuế chống trợ cấp 39,05%. Ngoài ra, Mỹ cũng đánh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tương tự đối với thép chống gỉ và thép cuộn cán nguội từ Việt Nam có nguồn gốc là thép cuộn cán nóng do Trung Quốc sản xuất.

Khi đó, Bộ Thương mại Mỹ cho biết có tới 90% tổng giá trị thép Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ được sản xuất ở Trung Quốc. Theo số liệu thống kê của bộ này, sau khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép của Trung Quốc trong năm 2015, các lô hàng thép cán nguội từ Việt Nam vào Mỹ tăng tới 215 triệu USD mỗi năm từ mức chỉ 9 triệu USD, trong khi nhập khẩu thép chịu mài mòn tăng lên 80 triệu USD từ mức 2 triệu USD.

Ngay sau đó, đến cuối tháng 7 và đầu tháng 8, Mỹ mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thép chống ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam, và điều tra chống bán phá giá - trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội Việt Nam.

Đồ họa: Liên Hương.

Theo trang South China Morning Post, xu hướng chuyển hàng hóa qua nước thứ ba để tránh thuế ngày càng nở rộ trong vài tháng gần đây do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Để làm được điều này, các công ty sản xuất sẽ phải kiểm tra xem liệu họ có thể tháo mác “Made in China” để thay bằng mác “Made in Vietnam” hợp pháp bằng cách đổi mã số sản phẩm hoặc chỉ bằng việc chuyển sang qua Việt Nam trước khi xuất sang Trung Quốc, một số doanh nhân cho biết.

Thay vì phải mua mặt bằng và lắp đặt thiết bị sản xuất, một số doanh nghiệp chỉ thuê kho hàng ở Việt Nam. Những đối tượng này thường bị nghi ngờ là có mục đích “rửa mác” để thay đổi mô tả sản phẩm trước khi xuất khẩu, ông Tai Wan-ping, giáo sư về kinh tế quốc tế tại Đại học Cheng Shiu, cho biết.

Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, đây là một trong những tác động tiêu cực đối với Việt Nam từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. "Với mặt hàng thép, hiện Trung Quốc đang phải chịu thuế rất cao từ Mỹ, nên thay vì việc xuất khẩu sang Mỹ thì Trung Quốc đã xuất sang Việt Nam và từ Việt Nam đội lốt sang Mỹ. Chính phủ Mỹ cũng đã tiến hành điều tra và áp thuế đối với một số trường hợp thuộc dạng này, nên Việt Nam cần phải cẩn trọng", VnEconomy trích lời ông Lực.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phương Nam cho biết, từ cuối năm 2016 đến nay, ngành thép thế giới liên tục bị “đánh” và Việt Nam bị ảnh hưởng đáng kể. Thời điểm đó, ông Nam đã đánh giá ngành thép Việt Nam rất dễ bị tổn thương và bị động. “Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang, tôi không thấy cơ hội nào cho Việt Nam hoặc nếu có thì cũng rất ngắn, rất ít và không bền vững”, ông Nam nói.

Minh chứng là chỉ trong tháng 7 - 8, ngành thép Việt Nam đón nhận “cơn mưa” kiện tụng từ Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU), Canada và Liên minh kinh tế Á – Âu. Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), việc xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng nhanh đã khiến thép Việt bị các nước chú ý và triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.

Thép Việt thiệt hại thế nào?

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắt thép các loại của Việt Nam tính đến giữa tháng 12/2018 đạt gần 6 triệu tấn và hơn 4,3 tỷ USD, lần lượt tăng 35,3% và 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép tính đến cùng kỳ cũng tăng 31,7% và đạt gần 2,9 tỷ USD.

Biểu đồ: Phan Vũ.

Trong năm 2018, thép Việt có liên quan tới 16 vụ việc về phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, phần lớn vụ việc mới chỉ trong giai đoạn điều tra và chưa có kết luận chính thức.

Mỹ, EU và Malaysia là 3 thị trường xuất khẩu sắt thép lớn của Việt Nam và cũng là ba quốc gia đã "xuống tay" với các sản phẩm thép của Việt Nam. Tính đến hết tháng 11, xuất khẩu sắt thép và các sản phẩm từ sắt thép sang Mỹ, EU, và Malaysia lần lượt chiếm 17%, 12,4% và 5,8%, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan.

Biểu đồ: Phan Vũ.

Việc EU điều tra và áp thuế tạm thời đối với một số sản phẩm thép của Việt Nam được cho là đã ảnh hưởng đến việc xuất khẩu sang thị trường này.

Từ tháng 5/2018 - hơn một tháng sau khi EU tuyên bố điều tra phòng vệ với 26 sản phẩm thép có xuất xứ các nước trong đó có Việt Nam, xuất khẩu sắt thép và sản phẩm từ sắt thép của Việt Nam sang EU giảm liên tục. Đến ngày 18/7/2018, EU áp dụng thuế tạm thời đối với thép cán nguội hợp kim và không hợp kim, thép tấm mạ kim loại và thép không gỉ cán nguội dạng tấm và thanh của Việt Nam. Xuất khẩu mặt hàng này sang EU giảm từ mức hơn 89 triệu USD của tháng 5 xuống khoảng 63 triệu USD vào tháng 10.

Ngược lại, xuất khẩu sang thị trường Mỹ có xu hướng tăng mặc dù nước này liên tục thông báo điều tra và áp thuế đối với một số sản phẩm thép của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt đỉnh vào tháng 9 với hơn 131 triệu USD.

Đây có thể là kết quả của việc Việt Nam giảm nhập sắt thép và sản phẩm từ sắt thép từ Trung Quốc để gia công và sản xuất. Nhập khẩu mặt hàng này từ nước này giảm từ khoảng 699 triệu USD vào tháng 5 xuống hơn 472 triệu USD.

Mỹ được cho là nhằm vào Trung Quốc khi tuyên bố áp thuế 25% đối với thép nhập khẩu từ nhiều quốc gia trên thế giới vào khoảng cuối tháng 3. Động cơ này được thấy rõ khi vào ngày 21/5/2018, Mỹ áp thuế 3 con số với thép cán nguội từ Việt Nam sử dụng vật liệu từ Trung Quốc, một quyết định gây sốc cho ngành sản xuất trong nước.

Biểu đồ: Phan Vũ.

(Nguồn: Phan Vũ - ndh.vn)