Tin tức
Bảo đảm CPI không tăng 'sốc'
Thời điểm tăng giá
Theo đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), thời gian tới, CPI sẽ bị tác động bởi nhiều yếu tố như giá nhóm hàng vật liệu xây dựng, đặc biệt là sắt, thép tăng cao vì theo quy luật, cuối năm là thời điểm nhu cầu xây dựng tăng cao. Ngoài ra, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu được dự báo sẽ tăng giá nhẹ vào cuối năm - thời điểm người dân đẩy mạnh mua sắm hàng hóa phục vụ dịp lễ, Tết. Đặc biệt, giá xăng dầu thế giới tiếp tục có những diễn biến trái chiều, gây ảnh hưởng đến giá xăng dầu trong nước.
Nhu cầu sắt, thép xây dựng tăng cao vào cuối năm |
Thực tế, giá xăng dầu đã có nhiều biến động phức tạp trong thời gian vừa qua. Ngay trong tháng 10, giá dầu thô thế giới đạt đỉnh của năm vào ngày 3/10 khi tại New York đạt mức 76,41 USD/thùng và London đạt 86,29 USD/thùng. Tuy nhiên, ngày 26/10, giá dầu giảm xuống với mức tương ứng là 67,59USD/thùng và 77,62 USD/thùng. Dự kiến, từ ngày 5/11, khi các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ với Iran có hiệu lực, giá dầu thô có khả năng tiếp tục tăng cao.
Hiện tại, nguồn cung xăng dầu trong nước khá ổn định khi sau một thời gian bảo dưỡng, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã hoạt động trở lại. Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sau khi khắc phục vài lỗi kỹ thuật nhỏ cũng đã hoạt động ổn định. "Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu sử dụng từ nay đến cuối năm, nhưng do thị trường thế giới còn nhiều diễn biến bất thường nên giá xăng dầu cần phải có giải pháp điều hành linh hoạt để không gây "sốc" cho thị trường khi giá thế giới tăng" - ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng giám đốc Petrolimex - cho hay.
Điều hành giá linh hoạt
Nhiều giải pháp đã được triển khai để đảm bảo giá hàng hóa không tăng đột biến, gây ảnh hưởng đến thị trường. Cụ thể, đầu tháng 10, Sở Công Thương Hà Nội đã có văn bản gửi UBND thành phố, trong đó đề xuất Sở Tài chính nắm bắt tốt các mặt hàng có xu hướng tăng giá, tham mưu điều hành giá hợp lý. Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo, phối hợp các doanh nghiệp (DN) triển khai dự trữ hàng tiêu dùng thiết yếu với tổng giá trị hàng hóa phục vụ người dân Tết Kỷ Hợi 2019 đạt 28.500 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ Tết năm 2018; tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn vay của 3 tổ chức tín dụng với tổng số vốn lên đến 2.700 tỷ đồng để hỗ trợ DN bình ổn giá dịp Tết. Nhờ đó, cuối năm, hàng hóa trên địa bàn Thủ đô được dự báo sẽ dồi dào nguồn cung, giá ổn định.
Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, Bộ đã và đang phối hợp chặt chẽ với các DN lớn như Dabaco, C.P để điều hành giá thịt lợn giảm hơn.
Về phía Bộ Công Thương, theo ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT có các giải pháp bình ổn giá thịt lợn thành phẩm, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng. Đồng thời, chỉ đạo các DN, địa phương chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ, kịp thời ứng phó với những diễn biến bất thường trong mùa mưa bão cũng như chuẩn bị cho các dịp lễ, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp để kiềm chế việc tăng giá, chủ động có kịch bản ứng phó nếu giá xăng dầu tăng cao.
10 tháng năm 2018, CPI tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Dư địa để đạt mức tăng 4% như mục tiêu Quốc hội giao vẫn còn cơ hội để đạt được, nếu có các giải pháp điều hành linh hoạt. |
(Nguồn: Phương Lan - congthuong.vn)