Tin tức
4 nhóm dự án giao thông TP HCM ưu tiên đầu tư
Đường vành đai, cao tốc, giải quyết kẹt xe ở cảng Cát Lái, Tân Sơn Nhất, phát triển giao thông TP Thủ Đức... nằm trong 4 nhóm dự án thành phố tập trung thực hiện từ năm 2021.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM ngày 7/1 cho biết, năm nay có 8 dự án trọng điểm trình HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư công. Đây là nhóm dự án cấp bách giảm kẹt xe, tăng kết nối các tỉnh lân cận và phát triển kinh tế vùng.
Các đoạn chưa khép kín (màu đỏ) Vành đai 2 sẽ được ưu tiên đầu tư. Đồ họa: Thanh Huyền.
Trong nhóm này, hai đoạn dài 6 km thuộc 14 km còn lại chưa khép kín của dự án Vành đai 2 sẽ được ưu tiên đầu tư. Tuyến đường giúp phân luồng, giảm áp lực giao thông nội thành và tăng kết nối các đường vành đai khác, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên)...
Đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội tại nút giao Bình Thái (quận 9 và Thủ Đức), dài 3,5 km, rộng 67 m, vốn đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng. Đoạn 2 từ nút giao Bình Thái trên xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng tại ngã ba Linh Đông (quận Thủ Đức), dài 2,5 km, tổng đầu tư gần 5.570 tỷ đồng.
Trong nhóm dự án cấp bách được ưu tiên đầu tư năm này còn có cao tốc TP HCM - Mộc Bài dài 53 km, tổng vốn 13.600 tỷ đồng. Điểm đầu tuyến giao Vành đai 3 TP HCM, điểm cuối tại Khu kinh tế Mộc Bài (Tây Ninh). Cao tốc sau khi hoàn thành giúp phá thế độc đạo của quốc lộ 22, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ngoài ra trong nhóm dự án nói trên còn xây dựng nút giao An Phú (quận 2), tổng vốn 1.000 tỷ đồng (giai đoạn một); nâng cấp quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn) gần 930 tỷ đồng; mở rộng quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) 1.500 tỷ đồng; hai cầu trên đường N2 và N4 thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) gần 200 tỷ đồng...
Nhóm dự án giải quyết kẹt xe các điểm nóng như cảng Cát Lái (quận 2), Phú Hữu (quận 9), sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), hiện nhiều công trình cũng xác định ưu tiên đầu tư. Trong đó dự án nút giao Mỹ Thuỷ (giai đoạn 2), tổng vốn hơn 1.400 tỷ đồng được tập trung xây dựng hoàn chỉnh. Gần đó, dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh kết nối cảng Phú Hữu được xác định triển khai.
Kẹt xe ở cầu vượt Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), gần sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Quỳnh Trần.
Tại Tân Sơn Nhất, hai dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, Cộng Hoà (quận Tân Bình), dự kiến khởi công quý 4 năm nay khi được giao mặt bằng. Hiện, chính quyền TP HCM cũng gấp rút làm việc với các bên liên quan đẩy nhanh xây dựng tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà (song hành đường Cộng Hòa), tổng vốn hơn 4.800 tỷ đồng.
Các công trình này được xem cấp bách cần thực hiện để đồng bộ với kế hoạch xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, dự kiến đưa vào khai thác năm 2023 nâng công suất khai thác lên 50 triệu lượt khách mỗi năm. Điều này khiến áp lực giao thông tăng cao ở các đường xung quanh như Trường Sơn, Cộng Hoà, Phan Thúc Duyện... vốn đang quá tải.
Nhóm hoàn thiện mạng lưới giao thông cho TP Thủ Đức. Ngoài các đường Vành đai 2, 3, trước mắt khu vực này được tập trung đầu tư các đường liên khu vực như Lã Xuân Oai, đường liên cảng; hoàn thành cầu Thủ Thiêm 2, xây cầu Thủ Thiêm 4...
Năm 2021, mạng lưới xe buýt qua TP Thủ Đức được xác định "tái cấu trúc" theo hướng mở rộng kết nối các khu dân cư mới và tăng khả năng tiếp cận Metro Số 1, dự kiến đưa vận hành cuối năm nay. Cùng với đó, tuyến buýt nhanh (BRT) số 1 đang được đẩy nhanh kế hoạch đầu tư, khi hoàn thành sẽ tạo mạng lưới thông suốt cho giao thông công cộng ở khu vực.
Cầu Thủ Thiêm 2 dự kiến hoàn thành trong năm 2021 góp phần kết nối Tp Thủ Đức với trung tâm thành phố. Ảnh:Hữu Khoa.
Tuyến BRT này chạy dọc hành lang Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, đi qua huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, 6, 5, 1, 2, kết nối Metro Số 1 tại ga Rạch Chiếc. Tuyến dự kiến hoàn thành năm 2022, giúp rút ngắn thời gian đi lại giữa khu Đông và Tây thành phố, cùng với metro trở thành khung chủ lực chở lượng lớn hành khách qua lại từ TP Thủ Đức, Bình Dương, Đồng Nai ra vào khu trung tâm.
"Tại khu vực này trong năm nay, ngay khi mặt bằng được bàn giao, các công trình đang làm dở như nâng cấp đường Lương Định Của, cầu Tăng Long, Nam Lý... sẽ được đẩy nhanh hoàn thành", ông Lương Minh Phúc nói.
Nhóm dự án hoàn thiện trục Bắc - Nam (nối quận 7, 4 và Nhà Bè) được kỳ vọng giải quyết lớn tình trạng kẹt xe ở khu Nam thành phố. Trong nhóm này, dự án cầu đường Nguyễn Khoái, tổng vốn hơn 2.500 tỷ đồng sẽ được ưu tiên đầu tư để chia lửa cho cầu Kênh Tẻ - vốn đã quá tải. Dự án nằm trong danh sách trình HĐND TP HCM thông qua chủ trương đầu tư công trong năm nay.
Ba tuyến đường hiện hữu từ khu Nam sang trung tâm thành phố đang quá tải. Đồ họa: Thanh Huyền.
Công trình hiện được điều chỉnh quy mô, thay vì trước đây chỉ kết nối từ đường D1 khu dân cư Him Lam (quận 7) đến đường Bến Vân Đồn (quận 4), hiện bổ sung thêm nhánh rẽ kết nối qua quận 1.
Theo ông Lương Minh Phúc, 5 năm tới ở khu vực này với các dự án khép kín đoạn 4 của tuyến Vành đai 2, dài khoảng 5,3 km từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh (quận 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh), cũng được xác định cần tập trung thực hiện. Trong đoạn này có cầu Phú Định bắc qua kênh Tàu Hủ gần bến Phú Định, sẽ giảm áp lực giữa quận 8 ra vào trung tâm.
Mới đây, TP HCM kiến nghị Bộ trưởng Giao thông Vận tải chủ trì làm việc với các tỉnh thành liên quan để thúc đẩy loạt dự án trọng điểm liên kết vùng. Trong đó bao gồm 4 tuyến huyết mạch kết nối với TP HCM gồm: Vành đai 3, 4, mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây cùng tuyến TP HCM - Long An - Tiền Giang.
Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết đây đều là các dự án trọng điểm, tạo đà kết nối các tỉnh và phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - nơi góp hơn 45% tổng sản phẩm nội địa cả nước. Các dự án này có kế hoạch đầu tư từ lâu nhưng chưa triển khai, khiến khu vực chưa phát huy thế mạnh vốn có.
(Nguồn: Gia Minh - vnexpress.net)