Tin tức
4 điểm đạt được trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản sau Hội nghị G7
Một là, hai bên nhất trí tăng cường tin cậy chính trị thông qua duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc, đối thoại ở các cấp, đặc biệt là cấp cao. Việt Nam tiếp tục coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài của Việt Nam.
Hai là, hai bên đã trao đổi các biện pháp thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế và nhất trí một số nội dung hợp tác trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, hàng không mà chúng ta vừa chứng kiến việc trao đổi các văn kiện ký kết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê khẳng định tiếp tục cung cấp ODA hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong triển khai kế hoạch tín dụng 110 tỷ USD nhằm Phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại Châu Á và triển khai Sáng kiến kết nối Mê Công – Nhật Bản.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm triển khai hiệu quả các dự án quy mô lớn, Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam; nhất trí tăng cường hợp tác về đầu tư, thương mại, tiếp nhận thực tập sinh kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực, y tế, khắc phục hậu quả chiến tranh và hợp tác giữa địa phương hai nước…
Tại hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Nhật Bản tiếp tục ủng hộ Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi trong các tổ chức tài chính quốc tế, trong đó có nguồn vốn IDA ưu đãi của Ngân hàng thế giới (WB) và có lộ trình phù hợp sau năm 2017.
Ba là, Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê đã tuyên bố hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam 300 triệu Yên để ứng phó với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra trầm trọng tại Việt Nam cũng như cam kết về việc Nhật Bản sẽ cùng Việt Nam nghiên cứu các giải pháp lâu dài và hỗ trợ ODA cho Việt Nam để ứng phó với tình trạng này.
Bốn là, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các diễn đàn đa phương khu vực và thế giới.
Hai Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản cùng chia sẻ quan ngại của ASEAN và cộng đồng quốc tế về tình hình Biển Đông thời gian gần đây, đặc biệt là những hoạt động tôn tạo, xây đảo quy mô lớn, nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, các bên liên quan không có những hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng, gây phức tạp, mở rộng tranh chấp và quân sự hóa trên Biển Đông, thúc đẩy việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử COC.
Theo Minh Phương - enternews.vn